1. Xếp vị trí thứ hai về năng suất và thứ ba về sản lượng
Năm 2013, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ ba về sản lượng cao su thiên nhiên (CSTN). Năm 2017, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí này với sản lượng 1.086.700 tấn trên diện tích 971.600 ha và xuất khẩu 1.395.000 tấn đến hơn 80 thị trường, chiếm thị phần thế giới khoảng 12%, chỉ sau Thái Lan (38%) và Indonesia (27%). Nguồn cao su nhập từ các nước lân cận đã giúp Việt Nam tăng cường năng lực xuất khẩu trong những năm gần đây.
Giá trị đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành cao su không chỉ từ nguồn nguyên liệu CSTN, mà còn từ các sản phẩm cao su và sản phẩm gỗ cao su của ngành công nghiệp chế biến, đã đạt 4,847 tỷ USD năm 2016, đóng góp 2,7% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và có triển vọng vượt mức 5 tỷ USD trong năm 2017.
Góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng ấn tượng về sản lượng và xuất khẩu, năng suất cây cao su tại Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể nhờ các bộ giống cao sản và tiến bộ trong kỹ thuật cũng như quản lý. Việt Nam đã giữ mức năng suất bình quân 1,6 – 1,7 tấn/ha/năm trong 9 năm liên tục kể từ 2009, là mức cao nhất tại khu vực châu Á và thứ hai trên thế giới những năm gần đây. Năng suất cao là một trong những yếu tố quan trọng giúp người trồng cao su tại Việt Nam chống chịu và ứng phó linh hoạt khi giá thấp kéo dài từ năm 2012 đến nay.
2. Tham gia tích cực vào các tổ chức cao su quốc tế
Bên cạnh những bước tiến về sản lượng, xuất khẩu và năng suất, Việt Nam đã tham gia tích cực vào các tổ chức quốc tế chuyên ngành cao su, được đánh giá cao về những đề xuất, sáng kiến, giải pháp hữu ích đóng góp cho ngành cao su khu vực và toàn cầu.
Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam (RRIV) là thành viên của Ủy ban Nghiên cứu và Phát triển Cao su quốc tế (IRRDB), đã chia sẻ và trao đổi các kết quả nghiên cứu, ứng dụng làm tăng năng suất cây cao su với những bộ giống và chế độ thu hoạch phù hợp theo vùng sinh thái, phòng trị bệnh hiệu quả, bón phân tiết kiệm, quy trình sơ chế cao su đạt chất lượng ổn định…
Đặc biệt những giống hướng mủ và gỗ được nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá cao về tiềm năng hiệu quả kinh tế của cây cao su Việt Nam. Đại diện cho Chính phủ Việt Nam tham gia vào Hiệp hội Các nước sản xuất CSTN (ANRPC), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) phối hợp với Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã có những đóng góp tích cực trong các hoạt động của ANRPC về công tác thông tin, thống kê, đào tạo, dự báo cung cầu cao su của thế giới…
Các đề xuất của VRG và VRA về giải pháp ứng phó trong thời kỳ giá thấp kéo dài như giảm giá thành; giảm công lao động thu hoạch và chăm sóc; giảm phân bón thời kỳ cây trưởng thành; tăng thu nhập qua trồng xen, chăn nuôi; thúc đẩy tái canh; phát triển sản phẩm gỗ cao su và công nghiệp chế biến cao su… được đánh giá là thiết thực, khả thi và phù hợp với xu thế của thị trường.
Năng suất cây cao su của 6 nước dẫn đầu ở châu Á (kg/ha/năm)
VRA tuy được thành lập chỉ trong khoảng 12 năm nay, sau nhiều năm so với các hiệp hội cao su khác, nhưng đã chủ động đưa ra nhiều đề xuất để tạo thuận lợi và bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngành CSTN, tăng cường kết nối với các tổ chức để trao đổi thông tin về thị trường cao su, chiến lược phát triển nhằm có cơ sở cho hội viên xây dựng kế hoạch hoạt động đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Hiện nay, VRA là thành viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Cao su quốc tế (IRA), Hội đồng Doanh nghiệp Cao su Đông Nam Á (ARBC), cộng tác viên của ANRPC, thành viên liên kết của Tổ chức Nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG). Ngoài ra, VRA cũng có mối quan hệ khăng khít và thường xuyên tham gia vào các hội nghị, hội thảo của Hiệp hội Cao su Trung Quốc, Tổng cục Cao su Ấn Độ, Tổng cục Cao su Malaysia, IRRDB, Hội nghị Cao su toàn cầu (GRC)… Mở rộng quan hệ hợp tác trong các năm qua đã giúp VRA có điều kiện thu thập thông tin để cung cấp cho các cấp lãnh đạo và hội viên về tình hình thị trường, dự báo xu hướng cung cầu, tìm giải pháp ứng phó với giá biến động và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của thế giới.
Năm 2017 là cột mốc quan trọng của ngành cao su Việt Nam khi lần đầu tiên đã tiến cử được nhân sự đủ điều kiện đảm nhận chức vụ Tổng Thư ký của ANRPC – Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích (Phó Viện trưởng RRIV). Từ năm 1970, những nước tham gia lâu năm cùng với Việt Nam đã giữ chức danh này trong nhiều nhiệm kỳ qua: Indonesia 4 lần, Malaysia và Thái Lan 3 lần, Ấn Độ và Sri Lanka 2 lần, Singapore và Papua New Guinea 1 lần.
Năm 2017 còn để lại dấu ấn sâu sắc cho bạn bè thế giới khi ba đơn vị đầu ngành cao su Việt Nam (VRG, VRA, RRIV) đã phối hợp tổ chức thành công Hội nghị Cao su năm 2017 và các cuộc họp thường niên của ANRPC tại Việt Nam. Trong các cuộc họp lần này, nhiều đề xuất của Việt Nam về giải pháp đáp ứng xu thế phát triển bền vững ngành cao su đã được ANRPC đưa vào chương trình hành động giai đoạn 2017 – 2018.
Với sự đồng thuận của 12 nước thành viên ANRPC, ông Trần Ngọc Thuận – TGĐ VRG kiêm Chủ tịch VRA, đã được bầu chọn làm Chủ tịch ANRPC nhiệm kỳ 2017 – 2018.
Hội nghị và các cuộc họp thường niên của ANRPC sắp đến sẽ diễn ra tại Thái Lan – nước dẫn đầu về sản lượng và xuất khẩu cao su thiên nhiên. Năm 2018, Chủ tịch và Tổng Thư ký ANRPC đều là người Việt Nam, quốc gia thứ ba trên thế giới về sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên, được các nước kỳ vọng sẽ chia sẻ kinh nghiệm đúc kết từ nghiên cứu và thực tiễn thành công về những giải pháp khả thi cho các vấn đề quan tâm hàng đầu của cộng đồng ngành cao su, đặc biệt trong thời kỳ giá thấp có thể kéo dài vài năm tới, như tăng năng suất cao su cả về mủ và gỗ, đa dạng hóa nguồn thu nhập cho người trồng, giảm giá thành, sản xuất bền vững, tăng cường trữ lượng các-bon, giảm phát thải khí nhà kính, phát triển những sản phẩm cao su có chứng nhận…
Năm 2018, ngành cao su Việt Nam có nhiều triển vọng lập kỷ lục mới vượt mốc năm 2017 về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Đây sẽ là năm đánh dấu vai trò của ngành cao su Việt Nam ở những vị trí cao của tổ chức cao su thế giới ANRPC, không chỉ do chức danh đảm trách mà còn là những đóng góp tích cực, thiết thực cho cộng đồng cao su thế giới hướng đến sự phát triển bền vững, tăng cường cải thiện xã hội và môi trường, đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, kinh doanh của ngành cao su thiên nhiên.